Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Mời tham gia giải Holcim Prize năm 2015

Mời tham gia giải Holcim Prize năm 2015

Ngày 03/11/2014
Nhằm góp phần tạo điều kiện cho sinh viên ứng dụng kiến thức nhà trường vào thực tế, đóng góp cho xã hội một cách thiết thực, Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam tổ chức cuộc thi Holcim Prize nhằm tìm kiếm những ý tưởng đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, trong 3 lĩnh vực trọng tâm là Xây dựng Bền vững, Bảo vệ Môi trường và Phát triển Cộng đồng. 
Đề tài nào có tính thiết thực và khả thi cao sẽ có khả năng được chọn triển khai thí điểm thực tế với ngân sách hỗ trợ lên đến 200 triệu đồng, ngoài giải thưởng tiền mặt trị giá tổng cộng 77 triệu đồng.
Thông qua sân chơi này, Holcim cũng mong muốn nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về vấn đề phát triển bền vững một cách cụ thể, đồng thời trang bị cho các em những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống tương lai như kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng làm việc đội nhóm, kỹ năng thuyết trình...
Cuộc thi Holcim Prize được khởi xướng từ năm 2009 và hiện nay đang được triển khai ở 8 trường đại học lớn trên cả nước.
BTC Cuộc thi rất mong quý Thầy Cô hỗ trợ khuyến khích các em sinh viên hưởng ứng tham gia sân chơi này.
Thông tin chi tiết và cách thức tham gia cuộc thi xem thêm Poster bên dưới hoặc tại website: http://www.holcim.com.vn/holcimprize.html
Tải mẫu hướng dẫn viết đề tài TẠI ĐÂY




ĐỐI TƯỢNG THAM GIA

Sinh viên đăng ký dự thi cá nhân hoặc theo nhóm (tối đa 5 người/nhóm), với trưởng nhóm đang theo học tại 1 trong 8 trường Đại học sau:
  • ĐH Bách Khoa TP.HCM
  • ĐH Cần Thơ
  • ĐH Kiến Trúc TP.HCM
  • ĐH Kiến trúc Hà Nội
  • ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM
  • ĐH Bách Khoa Đà Nẵng
  • ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
  • ĐH Tôn Đức Thắng 

QUY TRÌNH TRIỂN KHAI

1. Sinh viên đăng ký đề tài
Sinh viên điền mẫu đăng ký đề tài tại website cuộc thi trước ngày 31/10/2014. Mỗi nhóm có thể đăng ký nhiều đề tài. 
2. Nộp tóm tắt đề tài
Bản tóm tắt đề tài cung cấp cho BGK những thông tin cụ thể về đề tài dự thi. Các nhóm không đăng ký đề tài ở vòng 1 vẫn có thể nộp tóm tắt. Để có bản tóm tắt đề tài tốt, sinh viên nên tham gia buổi hội thảo tư vấn tại trường do BTC thực hiện để được các thành viên BGK góp ý.
Hạn nộp: 10/12/2014Mẫu tóm tắt đề tài 
3. Bán kết tại trường
6 đề tài xuất sắc nhất mỗi trường sẽ được chọn tham gia vòng bán kết cấp trường. Các nhóm có khoảng 4 tháng để hoàn thiện nghiên cứu trước khi trình bày tại vòng bán kết.
4. Chung kết liên trường
Ở vòng này, 8 dự án giành giải nhất vòng bán kết ở các trường sẽ tham gia tranh tài. Dự án xuất sắc giành giải Ứng dụng (giải thưởng cao nhất của cuộc thi) sẽ được hỗ trợ triển khai thực tế.
5. Ứng dụng
Không chỉ nhận được hỗ trợ tài chính, trong giai đoạn này, dự án ứng dụng còn được các chuyên gia trong ngành tư vấn chuyên môn để đạt được hiệu quả cao nhất. 

Biểu mẫu và hướng dẫn

Biểu mẫu
Hướng dẫn

Kế hoạch Holcim Prize 2015

Hạn đăng ký đề tài nghiên cứu - 31/10/2014
Hội thảo tư vấn - Tháng 11/2014
Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
- Thời gian: 8:00 ngày 07/11/2014
- Địa điểm: Phòng Hội thảo khu E
Trường Đại học KHXH&NV
- Thời gian: 8:00 ngày 14/11/2014
- Địa điểm: Phòng D407, cơ sở Đinh Tiên Hoàng

Hạn nộp tóm tắt đề tài - 10/12/2014
Giai đoạn nghiên cứu - Từ 1/2015 đến 4/2015
Vòng Bán kết tại trường - Tháng 6/2015
Vòng Chung kết liên trường - Tháng 8/2015
Giai đoạn Triển khai giải Ứng dụng - Từ 8/2015 đến 4/2016

Lịch sử Holcim Prize

Kể từ khi được triển khai năm 2009, hàng năm, Holcim Prize thu hút hàng trăm đề tài tham dự với nhiều lĩnh vực khác nhau của các bạn sinh viên từ những trường đại học lớn trên khắp cả nước. Những đề tài này đều có điểm chung là hướng đến các vùng nông thôn xa xôi giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân địa phương và được đón nhận bởi chính quyền địa phương và người dân.
Các đề tài đoạt giải ứng dụng của cuộc thi Holcim Prize những năm trước đều đã được triển khai thực tế, bao gồm dự án Thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (năm 2009), dự án Nhà vệ sinh nổi (năm 2010), dự án Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển (năm 2011), dự án Mô hình tưới phun sử dụng năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận (2012) và Thùng rác sinh học tại Bình Thuận (2013).

2013 – Thùng rác sinh học – Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

Trước đây, xác cây thanh long là một trong những mối lo của nông dân và chính quyền địa phương vì tốn nhiều thời gian để tự phân hủy trong môi trường tự nhiên và gây ô nhiễm môi trường. Sáng kiến Thùng rác sinh học của các bạn sinh viên đã không chỉ giúp giải quyết vấn đề này trên khía cạnh môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Theo đó, giun được nuôi trong các thùng rác sẽ ăn xác cây thanh long, phân giun thải có thể dùng để bón cây. Sau khi hết vụ, giun quế được bán để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, tạo thành một mô hình nông nghiệp khép kín.

2012 – Hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời ở nông thôn – Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM

Hệ thống sử dụng năng lượng từ mặt trời để bơm nước tưới tiêu thay vì sử dụng điện sinh hoạt. Đối với một địa phương “thiếu mưa nhưng thừa nắng” như Ninh Thuận, sáng kiến đã góp phần biến khó khăn của tỉnh thành lợi thế để người nông dân có thể trồng hoa màu vào mùa khô mà không lo thiếu nước tưới. Trong thời gian áp dụng, dự án được bà con nông dân nhiệt tình đón nhận nhờ nâng cao năng suất tưới tiêu, tiết kiệm sức lao động và tiết kiệm chi phí.

2011 - Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình - Trường ĐH Cần Thơ

Thiết bị được làm từ những vật liệu dễ kiếm như xơ dừa, ống nhôm và hoạt động hoạt động theo nguyên tắc tận dụng nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời để tạo ra sự ngưng tụ từ hiện tượng bốc hơi. Cứ trung bình mỗi 1.5 m2 diện tích thiết bị có thể chưng cất 6 lít nước/ngày, đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của một cá nhân một ngày.

2010 - Nhà vệ sinh nổi - Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

Công trình nhà vệ sinh nổi giải quyết được nhu cầu vệ sinh cấp thiết cho cộng đồng dân cư và khách du lịch khu vực chợ nổi Cái Răng. Được xây dựng theo định hướng công trình xanh và sử dụng tro trấu để xử lý phân, công trình không những bảo vệ môi trường tự nhiên của các dòng sông, mà còn giúp giữ gìn hình ảnh đẹp của chợ nổi trong mắt du khách và đem lại nguồn lợi từ phân compost thu được sau khi ủ.

2009 - Mô hình quản lý bao bì, rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại P. Trường Lạc, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ - Trường ĐH Cần Thơ

Để giải quyết tình trạng người nông dân thường hay vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, một số gom tại một góc ruộng hoặc mang về nhà bán ve chai, đề tài của nhóm sinh viên đã đưa ra mô hình quản lý, xử lý và kết hợp tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe của bà con. Cùng với sự tham gia của cơ quan chính quyền, sau thời gian áp dụng, bà con nông dân tại địa bàn thụ hưởng đã quan tâm hơn đến việc thu gom và xử lý an toàn loại rác thải này.

Câu hỏi thường gặp

Tư cách dự thi:
Q1: Tôi không phải là sinh viên của những trường đại học có hợp tác với Holcim Prize. Vậy tôi có thể tham gia cuộc thi Holcim Prize được không?
A1: Holcim Prize là chương trình hợp tác giữa Holcim Việt Nam và 8 trường ĐH Cần Thơ, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH KHXH&NV, ĐH Sư phạm Kỹ Thuật, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và ĐH Tôn Đức Thắng. Hiện tại chỉ có sinh viên thuộc hệ thống các trường này tham gia. Tuy nhiên, BTC đã mở ra điều kiện cho các các bạn sinh viên trường khác bằng cách kết hợp với các sinh viên từ những trường này, với điều kiện thành viên nhóm thuộc 8 trường nêu trên phải là trưởng nhóm. 
Q2: Tối đa một nhóm được tham gia bao nhiêu sinh viên? Các thành viên nhóm có thể thay đổi được không?
A2: Các nhóm có thể thay đổi thành viên nhưng số lượng thành viên không quá 05 người/nhóm
Q3: Tháng 11 tới tôi tốt nghiệp, vậy tôi có được tiếp tục thực hiện đề tài không?
A3: Chúng tôi chỉ xác định thời điểm bạn bắt đầu tham gia, chỉ cần lúc đó bạn vẩn còn là sinh viên là được. Nếu bạn đoạt được giải thưởng ứng dụng thì bạn vẫn có quyền thực hiện mặc dù đã ra trường.
Q4: Nhóm tôi có thay đổi thành viên và cộng tác viên, thay đổi 2 thành viên và thêm một cộng tác viên. Vậy nhóm sẽ có 5 người. Tôi cần phải làm gì để thay đổi này hợp lệ?
A4: Bạn gửi danh sách đầy đủ 05 thành viên đã cập nhật cho BTC, nhớ ghi rõ tên trường và đề tài.
Đề tài:
Q5: Nhóm tôi có thể nộp hơn 1 đề tài được không?
A5: Các bạn được quyền đăng ký nhiều đề tài, miễn là các bạn đủ sức nghiên cứu hết các đề tài đó.
Q6: Tôi có thể thay đổi tên và nội dung đề tài sau khi đã nộp phiếu dự thi không? Và trong thời gian nào?
A6: Trước khi nộp tóm tắt đề tài bạn có thể thay đổi tên so với đăng ký ban đầu được nhưng sau khi đề tài đã được Hội đồng BGK duyệt chọn vào vòng bán kết, bạn không được thay đổi nội dung chính, mà chỉ có thể bổ sung hoàn chỉnh hơn cho nội dung đã được duyệt.
Q7: Tôi đăng ký nhiều đề tài nhưng sau đó chọn một đề tài mà không làm những đề tài kia có được không?
A7: Bạn được phép đăng ký nhiều đề tài và chúng tôi sẽ xét duyệt trên cơ sở bản tóm tắt hoàn chỉnh. Các đề tài được chọn sau vào vòng bán kết sẽ được tiếp tục thực hiện.
Q8: Chọn giáo viên hướng dẫn sau khi đăng ký có được không?
A8: Điều này hoàn toàn được, thậm chí các bạn có thể chọn nhiều người hướng dẫn vẫn được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét